Tuesday 3 September 2013

Những bài thuốc chữa ngộ độc rượu cực hay

    Trong dân gian có nhiều bài thuốc có thể áp dụng trong các trường hợp ngộ độc rượu mức độ nhẹ (say rượu), một trong số đó là dùng thực phẩm.

    Những bài thuốc đơn giản, tiện lợi dưới đây có công dụng rất nhanh cho việc chữa ngộ độc rượu:

    - Lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu protein khiến chất cồn bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu, mặt khác còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.

   - Giấm: Giấm ăn 60 gr, đường đỏ 15 gr, gừng ba lát, giã nát. Hòa lẫn cả ba thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống.
     
   - Rau cải trắng: Lấy một vài búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, rồi bóp với đường và giấm để ăn. Có thể dùng món này khi đang uống rượu để giảm bớt tác hại của chất cồn.


   - Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.

   - Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ.
     
   - Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.
     
   - Củ sắn dây: 25 - 50 gr nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại.
   
- Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.


   - Hồng: Ăn mứt trái hồng hoặc giã nhuyễn trái hồng tươi để uống chung với nước nóng.

   - Lựu: Nước từ lựu giã nhuyễn hoặc ăn sống, đều có tác dụng giảm say tương tự.

   - Ngó sen: Có thể giã nhuyễn ngó sen tươi, lọc lấy nước để uống. Hoặc cắt nhỏ ngó sen tươi, trộn chung với đường và giấm để ăn cũng rất tốt.

   - Khoai lang: Trộn đường chung với khoai lang tươi giã nhuyễn để ăn khi bị say.

   - Đu đủ: Nhai lá đu đủ non để nuốt lấy nước và bỏ phần bã, rất công hiệu khi say rượu.

   - Cháo: Một bát cháo nấu loãng hoặc chỉ uống lấy phần nước cơm từ cháo cũng là cách hay để giảm cơn say.

    - Đậu xanh: Rửa sạch đậu xanh bằng nước sôi, giã nhuyễn để hòa chung với nước sôi và lọc lấy nước uống. Hoặc nấu nhừ đậu xanh và cam thảo để ăn cả nước lẫn cái.

    - Củ gừng: Giã nhuyễn vài lát gừng tươi, trộn chung với đường cát và giấm để lọc lấy nước uống hạ cơn say.
   
    Ngoài ra, ăn các loại quả chua như cam, quýt hoặc dâu tây... cũng giúp giải rượu rất tốt.

Theo BS Nguyễn Bạch Đằng - Đất Việt

Những bài thuốc cực hay trị tiểu đường

     Sau đây là một số bài thuốc có tác dụng hỗ trợ phòng trị chứng tiêu khát tiểu đường.

     Tiểu đường thuộc phạm vi bệnh chứng tiêu khát (TK) trong y học cổ truyền, với các triệu chứng chủ yếu như uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sụt cân và ít nhiều có nhức mỏi cơ khớp, có khi ngoài da khô ngứa.


    - Nếu TK biểu hiện uống nước nhiều miệng vẫn khô khát, lưỡi đỏ do phế nhiệt, phép trị chủ yếu mát phế sinh tân dịch chỉ khát. Nên dùng vị: Sinh địa 20g, thạch cao 240g, tri mẫu 20g, thiên hoa phấn 14g, gạo tẻ 40g, nhân sâm 12g, cam thảo 8g. Ngày 1 thang nấu cho đến khi nhừ gạo bỏ bã uống 2 - 3 lần, uống đợt 5 - 7 ngày. Đây là bài "Bạch hổ gia nhân sâm gia giảm" tác dụng thanh nhiệt, ích khí sinh tân dịch. Bài này uống rất thích hợp với chứng do phế nhiệt. Tiểu đường tuýp 2, uống nhiều miệng vẫn khô khát.

    - Nếu TK biểu hiện ăn nhiều mau đói, cầu táo khó rêu lưỡi vàng do vị nhiệt, phép trị chủ yếu mát vị, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng. Nên dùng vị: Sinh địa 30g, đơn bì 16g, hoài sơn 16g, mạch môn 14g, tri mẫu 12g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 10g, hoàng liên 10g. Đây là bài "Sinh địa bát vật  gia giảm", sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng thanh vị, tư thận âm... Bài này rất thích hợp chứng vị thực nhiệt. Tiểu đường tuýp 2 có biểu hiện ăn nhiều mau đói, người gầy sút, đại tiện táo bí.

    - Nếu TK hình thể gầy nóng trong, tiểu lúc vàng lúc đục do thận âm hư, phép trị chủ yếu bổ thận âm. Nên dùng vị: Sinh địa 30g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục linh 12g, trạch tả 10g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 12g. Đây là bài Lục vị địa hoàng gia vị. Tác dụng tư thận âm, bổ can huyết... Bài này rất thích hợp bệnh chứng thận âm hư. Tiểu đường tuýp 2 người gầy nóng trong.

   - Nếu TK tiểu không tự chủ, chân không ấm do thận khí hư nên dùng bài Lục vị địa hoàng trên gia thêm quế chi 12g, phụ tử 4g tức là  bài "Thận khí hoàn gia vị". Tác dụng ôn bổ thận khí, trị các chứng thận dương hư đau lưng mỏi gối, tiểu đêm... Bài này rất thích hợp chứng thận khí hư, tiểu đường tuýp 2, tiểu nhiều chân không ấm, béo bụng.

     Qua thực tế lâm sàng cho thấy, bệnh TK có nhiều bệnh chứng tương đồng với tiểu đường, khi điều trị tiểu đường thì chứng TK cũng giảm và ngược lại khi điều trị chứng TK bệnh tiểu đường cũng giảm. Sử dụng một số bài thuốc trên trị TK cũng là hỗ trợ phòng trị bệnh chứng của tiểu đường.

Lương y Minh Phúc (Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Bài thuốc chữa sỏi thận nhờ hoa dâm bụt

    Bài thuốc này không chỉ giúp cho chị, bạn bè, hàng xóm, những người thân quen và cho cả con gái cũng được chữa khỏi. Đó là bài thuốc chưng cách thủy hoa dâm bụt với đường phèn. 

    10 năm 2 lần nhập viện mổ vì sỏi thận 

     Chị Nguyễn Tùng Hương (47 tuổi, 70/3 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) cho biết, hồi con gái chị đã liên tục bị những cơn đau buốt từ lưng xuyên xuống chân. Mãi đến lập gia đình và theo chồng lên TPHCM, đi khám ở Bệnh viện Bình Dân mới được biết mình bị sỏi thận. Qua các chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, bác sĩ cho biết, sỏi trong thận đã tích tụ khá lâu và hiện đã to khoảng 10mm x 10mm, các bác sĩ khuyên chị nên mổ lấy viên sỏi ra để thận khỏi bị ứ nước dẫn đến suy thận. Thế là chị mổ năm 1992. Sau khi phẫu thuật bác sĩ cho biết, viên sỏi thận của chị thuộc loại sỏi san hô, rất cứng và có chân bám chắc. Hồi đó còn mổ hở nên vết sẹo dài và xấu ở sau lưng, hông chứ không phải như bây giờ mổ nội soi.

     10 năm sau (2002), sau khi sinh đứa con thứ hai, chị Hương lại bắt đầu có những cơn đau buốt lưng y như trước. Chị đi khám và siêu âm ở khoa Niệu C, Bệnh viện Bình Dân. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì cả chị và bác sĩ đều lo lắng vì trong thận phải (quả thận đã mổ) có tới 17 viên sỏi. Mặc dù việc mổ sẽ rất phức tạp nhưng với số lượng sỏi và tình trạng ứ nước của bệnh nhân, các bác sĩ quyết định mổ và đưa chị vào danh sách lên lịch phẫu thuật.



    Nhờ bài thuốc dân gian

     Chị Tùng Hương vẫn còn ấn tượng từ lần trước về cái vết sẹo dài ấy nên thật sự cảm thấy sợ hãi khi nghĩ chuyện phải phẫu thuật lần thứ hai. Chị đang lo âu và sợ hãi về mấy cái viên sỏi thận tái lại của mình thì tình cờ mẹ nuôi của chị đi tu ở trên núi xa về và khuyên chị dùng thử bài thuốc của sư trụ trì nơi mẹ nuôi chị đang tu học. Bài thuốc đơn giản là dùng 9 bông hoa dâm bụt chưng cách thủy, ăn hết cả nước lẫn cái liên tục. Chuẩn bị đến ngày mổ thì chị có kinh nguyệt nên bác sĩ cho chị dời ngày mổ qua tháng sau.

     Ở nhà, chị tiếp tục món ăn hoa dâm bụt chưng đường phèn và đến gần ngày mổ, bỗng dưng chị bị bí tiểu phải vào bệnh viện cấp cứu. Qua siêu âm, bác sĩ ngạc nhiên vì sỏi thận của chị nhiều đếm không hết, không phải 17 viên như tháng trước mà bây giờ cả vốc, chỉ có điều là kích thước các viên sỏi này nhỏ hơn lần trước và có viên đang bị mắc kẹt ở niệu đạo khiến chị bị bí tiểu.

     Sau khi khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng và nghe chị Tùng Hương nói về bài thuốc chị đang dùng thì bác sĩ đoán đây là hiệu quả của bài thuốc hoa dâm bụt đã khiến các viên sỏi vỡ nhỏ. Bác sĩ cho chị Hương toa thuốc lợi tiểu và chống viêm. Sau 1 ngày dùng thuốc, khi đi tiểu chị nghe đau buốt và bỗng hàng loạt viên sỏi rơi ra nghe lạo xạo, màu trắng đục. Hiện tượng này kéo dài thêm một ngày. Ba ngày sau tái khám, bác sĩ khoa Niệu C, Bệnh viện Bình Dân đã chúc mừng chị vì quả thận đã không còn viên sỏi nào nữa.

     Chị Tùng Hương cho biết thêm, hoa dâm bụt đem về rửa sạch lặt bỏ cuống hoa, bỏ 9 cái hoa vào bát ăn cơm đổ nước gần đầy bát và bỏ vào 1 cục đường phèn nhỏ bằng đốt tay và đem chưng cách thủy, nước sôi được 1 phút, bắc ra để nguội ăn và uống hết, mỗi ngày một lần. Trước khi dùng bài thuốc này thì người bệnh nên đi siêu âm xem sỏi thận như thế nào, sau 1 tháng uống bài thuốc này thì đi siêu âm lại để xem kết quả và nhớ là mỗi ngày phải uống đủ 2,5 lít nước thì mới mong ra sỏi.
Nguồn: kienthuc.net.vn

Bài thuốc chữa yếu sinh lý từ bọ ngựa

     Bọ ngựa vị ngọt mặn, tính ấm, có tác dụng đặc biệt chữa các chứng di tinh, di niệu, liệt dương ở nam giới.

    Bộ phận dùng làm thuốc là toàn bộ con bọ ngựa (còn gọi là đường lan) và tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm (còn gọi là tang phiêu tiêu).


    Người ta thường bắt bọ ngựa còn sống, bỏ đầu, cánh, chân và ruột rồi đem rang chín và tán thành bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Theo một số tài liệu y học cổ truyền mà thế giới côn trùng nghiên cứu, bọ ngựa có vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận cố tinh, tư âm sáp niệu, giải độc trấn kinh; thường được dùng để chữa các chứng di tinh, di niệu... liệt dương, đi tiểu nhiều lần, hầu họng sưng đau, trĩ hạ, viêm loét, kinh giảm...

    Tang phiêu tiêu là tổ cái tổ bọc các quả trứng của con bọ ngựa sống trên cây dâu tằm. Tang phiêu tiêu có vị ngọt, mặn, tính bình, quy vào 2 kinh can và thận, có công dụng bổ thận tráng dương, cố tinh, sáp niệu, an thần, định chí, thường dùng để chữa các chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, mất ngủ, hay quên...

    Tang phiêu tiêu thường được lấy về phơi hoặc sấy khô, đựng trong lọ kín dùng. Khi dùng thì đập dập rồi sắc cùng các vị thuốc khác hoặc sao giòn, tán bột uống. Liều dùng chung của tang phiêu tiêu là từ 6 - 20g/ngày.

    Liệt dương do thận hư: Bọ ngựa 15g nấu ăn hoặc bọ ngựa 15g, 1 con ếch hầm ăn hằng ngày.

    Liệt dương: Tang phiêu tiêu, phá cổ chỉ 15g, kỷ tử 15g, hải cẩu thận hoặc dương thận 1 bộ, nhục thung dung 30g, ba kích 15g, tất cả sao khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 9g.

    Di tinh bạch trọc (chảy mủ đầu dương vật): Tang phiêu tiêu 20g, long cốt 20g, sấy khô tán bột, uống mỗi lần 8g với nước muối nhạt. Hoặc tang phiêu tiêu 12g, long cốt 30g, mẫu lệ 30g, kim anh tử 15g, hoàng bá 10g, tri mẫu 10g, dạ giao đằng 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

    Dương nuy, di mộng tinh: Tỏa dương 60g, nhục thung dung 60g, long cốt 30g, tang phiêu diêu (tổ bọ ngựa) 40g, bạch linh 20g. Các vị sấy khô tán vụn, ngâm với 2.500ml rượu trắng, sau 14 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml. Công dụng: Bổ thận ôn dương, cố tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh như dương nuy, di mộng tinh, hoạt tinh, tảo tiết, đau lưng mỏi gối, đi lỏng kéo dài do thận dương hư.

    Liệt dương, tảo tiết: 10 tổ bọ ngựa, sao vàng xém cạnh, nghiền thành bột, trộn với bột mẫu lệ (đồng lượng), ngày một liều, uống trước khi đi ngủ. Uống 3 ngày liền. Hoặc dùng tang phiêu tiêu 40g, tỏa dương 40g, long cốt 40g, nhục thung dung 40g, bạch phục linh 40g, mật ong vừa đủ làm hoàn. Đem các vị thuốc tán thành bột mịn rồi trộn kỹ với mật ong, làm hoàn, mỗi lần uống 9g, ngày 2 lần, sáng và tối. Dùng cho các chứng bệnh thận hư, di tinh, dương nuy, bất khởi.

    Di tinh, hoạt tinh: Lấy bột tổ bọ ngựa đã sao chế như trên, thêm bột long cốt, đồng lượng, uống ngày 2 lần. Uống liền một tuần lễ.

Nguồn: kienthuc.net.vn

Bài thuốc đông y giúp sữa mẹ dồi dào - Cách giúp mẹ có nhiều sữa để nuôi con

    Các nghiên cứu của y học cổ truyền cho rằng, sữa được tạo ra từ huyết và do khí vận hành. Nguyên nhân thiếu sữa phần lớn do khí huyết kém. Từ lâu dân gian thường sử dụng một số món ăn bài thuốc chữa thiếu sữa sau đây.

       + Cháo hạt mùi: Hạt mùi 50g, nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo nếp 100g nấu nhừ cho thêm hành, tía tô gia vị mắm muối vừa đủ ăn nóng.

       + Cháo chân dê: Chân dê 4 cái làm sạch, gạo nếp 100g, đậu xanh 100g thêm gia vị hành gừng nấu cháo ăn.

       + Canh đu đủ: Đu đủ ương 100g, đuôi heo 100g làm sạch, hành gừng gia vị, hầm nhừ ăn.

       + Canh mướp: Mướp hương một trái 200g thái lát, đậu phụng 100g giã dập nấu canh ăn.

       + Canh móng giò heo: Móng heo 100g, hạt ngô non 100g, mít ương 50g thêm hành gừng gia vị vừa hầm ăn.


       + Chân vịt hầm đậu xanh: Chân vịt 4 cái 100g làm sạch, đậu xanh 100g, thêm 3 củ hành, gừng gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn.

       + Rễ đinh lăng hầm thuốc: Rễ đinh lăng 20g, đương quy 20g, hoàng kỳ 20g, đuôi heo 1 cái làm sạch thêm hành gừng gia vị hầm nhừ ăn.

       + Bao tử heo hầm đậu: Bao tử heo 100g làm sạch, đậu đỏ 100g, đại táo 4 quả, gừng hành gia vị vừa đủ hầm ăn.

       + Rau đay chấm muối mè: Rau đay 100 luộc, mè đen 50g rang giã nhỏ cho thêm ít muối chấm rau ăn.

       + Gà ác tiềm bài thập toàn: Thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược, đảng sâm, bạch truật mỗi vị 12g, nhục quế 4g, đại táo 3 quả, gà ác 1 con tiềm ăn. Ngoài ra, nên tăng cường ăn món chế biến như, rau ngót, rau mùi, thì là, rau quế, hành, đậu rồng, cải xoong, hoa lý, cải cúc, giá đậu, đậu hà lan, cà rốt, gừng, nghệ... Cá nên ăn như cá rô, cá bống, cá lóc, cá thu... Thịt nên ăn chân thịt, bao tử heo, chân dê, gà, vịt, chim... và đậu mè, gạo ngô khoai tươi mới các loại... trái cây như bơ, dâu, chuối đều tốt.

       Nếu bầu vú căng cứng, ngực đầy tức, nên ăn món tác dụng bổ khí dưỡng huyết, thanh nhiệt tiêu viêm như:

       + Cháo cá chép: Cá chép con 400g làm sạch luộc lấy thịt xao qua hành mỡ chín thơm, gạo nếp đậu xanh nấu nhừ  sau cho cá cho thêm gia vị rau hành, tía tô mắm muối vừa đủ ăn nóng.

       + Canh cá điêu hồng: Cá điêu hồng1 con 500g làm sạch lấy thịt xao hành mỡ, cho nước, cà chua, rau mùi tàu, rau ngổ, thì là gia vị vừa đủ nấu chín khi ăn cho rau diếp vào sau ăn nóng.

       + Cá diếc hầm đậu: Cá diếc 2 - 3 con 300g làm sạch, đậu đỏ 200g, thêm nghệ 12g, hành 4 củ gia vị vừa đủ hầm ăn.

       + Rau diếp luộc: Rau diếp dại 50g luộc ăn cả cái lẫn nước.

       + Nước luộc hành: Hành ta 5 - 7 củ khoảng 100g, giã nhỏ cho 2 bát nước đun sôi vắt lấy nước uống nóng.

       + Hoa đu đủ đực luộc: Hoa đu đủ đực 100 - 150g luộc ăn cả cái lẫn nước. Ngoài ra, nên tăng cường ăn món chế biến cho nhiều hành, rau diếp, rau má, rau húng, lá lốt, nghệ, hành, hạt ngò.

       + Nước đậu đỏ: Đậu đỏ 200g nấu nước cho uống còn ấm.

Bài thuốc chữa vô sinh do biến chứng quai bị

    Với bài thuốc này, nhiều trường hợp vô sinh nam, teo tinh hoàn do biến chứng quai bị đã có con khi tinh trùng trở nên đầy đủ và khỏe mạnh.

   Biến chứng viêm, teo tinh hoàn là một biến chừng thường gặp ở bé trai tuổi dậy thì. Trong trường hợp này, khả năng sinh tinh của người bệnh có thể bị kém, số lượng tinh trùng nhiều trường hợp bằng không.

    Dưới đây là bài thuốc của bác sĩ Nguyễn Phú Lâm, Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, Vĩnh Long chia sẻ, nhờ bài thuốc này mà nhiều trường hợp vô sinh nam, teo tinh toàn do bị quai bị đã có con.

    Theo Đông y, khi đàn ông mất khả năng hoặc khả năng sinh tinh yếu, thiếu là do tạng thận hư yếu, bởi thận tàng tinh và sinh tinh. Thận vừa tàng chứa tinh của ngũ tạng và tinh sinh dục. Do vậy, bài thuốc phải giúp bổ thận, tráng dương, sinh tinh.

    Cụ thể 3 bài thuốc chữa vô sinh nam :

    Bài 1: nhục thung dung 200g, thục địa 100g, huỳnh tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, xuyên khung 30g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, hoàng kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 50g, đơn sâm 40g, trần bì 20g, đại táo 30 quả, lộc giác giao 40g, lộc nhung 20g

 Nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm

     Trong đó: thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: bổ tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, đan sâm: bổ khí, tăng cường sức khỏe; đương quy, xuyên khung: dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: dưỡng huyết, an thần. Các vị thuốc khác có tác dụng hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh huyết.

     Bài thuốc này còn chữa bệnh rối loạn dương cương, liệt dương, yếu sinh lý rất hay. Thuốc này dùng để ngâm rượu uống.

     Bài 2: Hoàng kỳ 400g, đương quy 240g, thạch hộc 240g, nhân sâm 200g, thỏ ty tử 200g, nhục thung dung 200g, mạch môn 160g, hoài sơn 160g, đỗ trọng 160g, sơn thù 160g, kỷ tử 160g, tỏa dương 160g, sa uyển tật lê 160g, xuyên tục đoạn 120g, xuyên ba kích 120g, ngũ vị tử 80g, hồ lô ba 640g, hồ đào nhục 480g, cật dê 12 cái, cật heo 12 cái.

     Cật dê và cật heo hấp chín thái mỏng phơi thật khô, tất cả các vị đều tán bột, dùng mật thắng thành châu làm hoàn mỗi hoàn 10g, ngày uống từ 3 - 4 hoàn.

     Trong đó: hoàng kỳ, nhân sâm bổ khí tăng cường sinh lực; thỏ ty tử, nhục thung dung, kỷ tử, tỏa dương, ba kích bổ thận cường dương sinh tinh; thạch hộc, sơn thù, ngũ vị tử, hồ lô ba, hồ đào nhục, xuyên tục đoạn bổ thận âm nuôi dưỡng tinh huyết; mạch môn, sa uyển tật lê dưỡng phế sinh tân dịch.cật dê, cật heo kích thích sinh tinh.

     Bài 3: Hai bài trên uống chung với bài Cố bản thập bổ hoàn của Hải Thượng Lãn Ông, thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, phục linh 160g, ngưu tất 120g, đỗ trọng 120g, ngũ vị tử 48g, phụ tử 60g, nhục quế 60g, lộc nhung 100g.

      Bài thuốc này làm hoàn mềm uống chung với một trong hai bài thuốc trên thì bổ thận sinh tinh đạt hiệu quả rất cao.

    Một số điều cần lưu ý: Qua kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, người bệnh dùng thuốc cần tuân thủ những điều sau:

    - Uống thuốc điều độ theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Thông thường thuốc có tác dụng sau nửa liệu trình, khoảng 1 tháng, nhưng nên kiên trì dùng hết thang thuốc rượu thì kết quả sẽ tốt hơn vì chất lượng tinh trùng tốt hơn.

    - Trong thời gian chữa bệnh cần sống điều độ, hạn chế tối đa việc uống rượu bia, hút thuốc lá, nếu được bỏ hẳn. Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh.

     Nếu có điều kiện nên đi làm lại tinh dịch đồ để thấy hiệu quả của việc uống thuốc như thế nào, số lượng có tăng không, độ di động như thế nào…
Nguồn: kienthuc.net.vn

Bài Thuốc Trị Đau Răng Hiệu Quả - Cách Chữa Bệnh Đau Răng

     Bài 1: Vỏ xoài 3 miếng cỡ bàn tay cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, thái nhỏ, sắc với 3 bát nước đến khi còn 2 bát; cứ 3 phần nước thì thêm 1 phần rượu, cho vào chai dùng dần. Mỗi lần lấy 1 chén con, ngậm khoảng 10 phút, thỉnh thoảng súc miệng rồi nhổ đi. Ngày dùng 4 lần vào buổi sáng, tối (trước khi đi ngủ) và sau 2 bữa ăn chính.

     Bài 2: Vỏ thân cây xoài 3 phần, quả me chua 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, lấy đầu tăm chấm thuốc vào chỗ răng đau. Nhiều trường hợp đau răng sưng hết mồm miệng đã khỏi khi dùng bài này. Có người gọi đây là "thuốc thánh chữa đau răng".


     Bài 3: Rễ rau dền đốt tồn tính, đem tán nhỏ, xát vào hàm răng, sau một lúc sẽ hết đau.

     Bài 4: Lấy 20-30 g rễ bí ngô sắc nước uống.

     Bài 5: Xương đùi gà trống 1 đôi (lấy khi mới làm thịt) đem đốt tồn tính (gần thành than), tán thành bột mịn. Hồ tiêu sao giòn, tán thành bột (lượng bằng xương gà). Hai thứ trộn đều, xát vào chỗ chân răng chảy máu hoặc chỗ bị sâu. Thuốc có tác dụng chữa chảy máu chân răng, sâu răng.

     Bài 6: Bột phèn phi 30 g, đại hồi 10 g, kê nội kim (màng mề gà) đốt tồn tính 10 g. Cả 3 vị tán thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ nút kín, dùng dần. Khi dùng, xát bột thuốc vào chỗ răng sâu hoặc chỗ lợi viêm tấy, chảy máu.

     Bài 7: Dùng 2 hoặc 3 lá trầu không, giã nhỏ cùng dăm hạt muối rồi hòa với 1 chén rượu, sau 10 phút thì gạn lấy nước trong. Chia 2 lần súc miệng kỹ rồi nhổ hết ra (không được uống). Chỉ cần súc miệng 2 lần (mỗi lần cách nhau khoảng 5 phút) là răng hết đau.

     Bài 8: Lá trầu không, củ nghệ vàng, búp bàng mỗi thứ 50 g; rửa sạch, giã nhỏ, ngâm với rượu. Khi dùng, đem đun cách thủy (đậy kín nút chai để rượu không bay hơi), cho sôi trong 30 phút rồi lấy ra để nguội. Ngậm (có súc miệng) trong 5-10 phút hoặc dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ đau, sau nhổ nước thuốc đi.

     Bài 9: Tỏi: Tỏi có tính sát khuẩn nên sẽ giúp chữa lành các bệnh nhiễm trùng, kể cả chứng đau răng. Cách làm: tỏi đem nghiền nát, trộn thêm ít muối và đắp vào vùng răng bị đau.


     Bài 10: Gừng có tính kháng viêm nên cũng có công dụng làm giảm đau. Giã nát gừng và đắp lên răng, làm như vậy vài lần trong ngày là sẽ thấy hiệu quả.

     Bài 11: Nước chanh có thể massage cho răng và nướu nên sẽ làm dịu các cơn đau. Hơn nữa, chanh cũng tính axit cũng có thể kháng khuẩn.

     Bài 12: Mặc dù hành tây có mùi khá khó chịu nhưng cũng giống như nước chanh, nước ép hành tây cũng có tác dụng massage và làm giảm đau nhức răng và nướu.

     Bài 13: Dầu ôliu trộn lẫn với dầu đinh hương lên phần răng và nướu bị đau. Trộn hai phần hỗn hợp tinh dầu đinh hương với một phần dầu ôliu. Làm điều này 3-4 lần mỗi ngày, cho đến khi cơn đau giảm đi. Thậm chí bạn cũng có thể nhai đinh hương, bởi đinh hương ngăn chặn sự nhiễm trùng và vi khuẩn lây lan và rất tốt trong giảm đau, kháng viêm.

     Bài 14: Cúc hoa vàng, lấy một cụm hoa rửa sạch, đặt trực tiếp vào chỗ răng bị đau, cắn nhẹ dần dần. Sau vài phút, cơn đau nhức dịu dần. Có thể lấy cụm hoa phơi khô, giã nhỏ, rồi ngâm vào rượu trắng trong vài giờ (để càng lâu càng tốt). Khi dùng, nhấp một ít rượu thuốc này, ngậm vào chỗ đau, không nuốt. Ngày làm 2 – 3 lần.

     Bài 15: Bồ kết: Lấy 1 quả đã khô đen, để cả hạt, nướng cho hơi cháy vỏ ngoài, nghiền nhỏ cùng với diêm sinh lấy từ 10 đầu que diêm. Ngâm với rượu trắng cho thật đặc trong 2-3 ngày (muốn có thuốc dùng ngay, đun nhỏ lửa trong vài phút). Khi dùng, nhấp ít một ngậm vào chỗ răng đau trong 10 – 15 phút rồi nhổ đi. Ngày làm 2 – 3 lần.

     Bài 16: Sử dụng một ít bột nghệ nhét vào răng bị đau. Cơn đau sẽ giảm trông thấy mà không gây ra bất cứ một tác dụng phụ nào.

     Bài 17: Tiêu đen và húng quế: Sử dụng một ít tiêu đen và vài lá húng quế đã rửa sạch với liều lượng tương đương, nghiền thành chất bột sệt. Sau đó, đắp hỗn hợp này lên khu vực răng bị đau sẽ giúp giảm đau.

     Bài 18: Ngắt một cành của cây giao (còn gọi là cây xương khô), để nhựa tiết ra, dùng bông tẩm nhựa này đặt vào hố răng đau.

     Bài 19: Hạt na đập ra lấy nhân, nghiền nhỏ đặt vào hố răng, sẽ có công dụng giảm đau ngay. Vì hạt na có tính chất sát trùng, sát khuẩn.
Theo GDVN

Cách Chữa Bệnh Viêm Xoang Bằng Cây Giao

     Khoảng trên 90% người bệnh bị viêm xoang mũi có thể khỏi nhờ xông thuốc từ cây giao. Ngoài ra, cây còn có thể trị được các bệnh khác như mụn cóc, viêm, cá đâm, rắn cắn.
Cây giao có nơi lại gọi là cây xương cá, cây nọc rắn, cây càng cua, cây càng tôm, cây xương khô, cây san hô xanh, thập nhị, cây quỳnh cành giao... tên khoa học là Euphorbia Tiricabira L. thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Cây mọc hoang nhiều nơi, ở thôn quê cây có thể dùng làm hàng rào. Công dụng chủ yếu là chữa chứng bệnh viêm xoang mũi.


    Toàn cây giao có vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng thúc sữa, sát trùng, khử phong, tiêu viêm, giải độc.

     * Chuẩn bị một cái ấm nước nhỏ (nhôm, sành đều được nhưng không dùng để nấu nước uống vì sợ độc).

     * Lấy một miếng giấy khá lớn, một tờ giấy lịch treo tường lớn hoặc nối 2 đ 3 tờ giấy A4 bằng băng keo thành 1 tờ lớn, rồi quấn xéo lại thành một cái ống dài khoảng 5 tấc (50cm) chứ không được làm ngắn hơn vì sẽ quá nóng, dễ bị phỏng da còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít. ống phải quấn sao cho 1 đầu vừa hoặc lớn hơn miệng vòi ấm còn 1 đầu nhỏ hơn để hít. Nếu có ống tre thì tốt hơn, nhưng không được dùng nhựa, dễừ nóng chảy!

    * Mở nắp ấm, đổ vào cỡ 1 chén nước.

     * Đếm cỡ 10 đến 20 đốt cây xương cá (tùy theo số cây mình có được nhiều hay ít), cắt nhỏ các đốt cây (thành cỡ phân nửa của lóng tay) rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm, để cho mủ cây nhỏ vào ấm càng tốt. Phải luôn cẩn thận tránh mủ văng vào mắt, nguy hiểm.

     * Đặt ấm lên bếp.

    Nếu có bếp gas thì làm tiếp như sau: 

     * Đầu tiên, vặn lửa thật lớn cho nước trong ấm sôi lên.

     * Đến khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì ta bớt lửa đến cực nhỏ, chỉ canh sao cho vừa đủ để hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm là đủ. (Các loại bếp khác cũng phải tìm cách bớt lửa để xông được lâu và không quá nóng).

     * Kế tiếp, lấy ống giấy đã quấn, đưa đầu lớn của ống vào vòi ấm, còn đầu nhỏ cho vào mũi để hít hơi xông lên.

     * Thời gian xông có thể chỉ là 15, 20 phút, hay nếu có thời gian thì xông 30 đến 50 phút. Nên để dành và hâm lại nước trong ấm để dùng, thường là 2 lần trong ngày (sáng và tối). Sau đó đổ bỏ, hôm sau làm lại liều thuốc mới.

     * Khi hâm lại dùng lần 2 thì cho thêm một ít nước cùng với 1 vài đốt cây để bổ sung thêm thuốc.

Lưu ý: 

     * Nên bắt đầu xông ngay khi vừa bốc hơi, để tận dụng lúc chất mủ còn đậm đặc sẽ đạt hiệu quả nhanh.

     * Vì hơi xông ra rất nóng, nên ta có thể hít một lát, đến khi thấy nóng quá thì quay mặt ra thở bên ngoài, rồi lại quay vào xông tiếp. Nên linh động làm sao để xông 1 cách thoải mái là được. Chẳng hạn: tránh đừng chạm trực tiếp mũi vào ống xông, do sức nóng truyền từ ấm sang ống có thể làm phỏng da non.

    * Nếu thấy không chịu nổi hơi quá nóng thì có thể để nước sôi rồi tắt bếp, hít cho đến lúc thấy hơi còn quá ít thì lại mở bếp để nước sôi lại rồi tiếp tục làm như trên.

    * Nên xông kiên trì cho đến khi hết hẳn, bệnh nặng có thể xông đến khoảng 30 ngày. Sau đó duy trì thêm 1 vài lần cho chắc ăn rồi ngưng, không nên lạm dụng. Về sau, nếu có tái phát mới xông tiếp. Có nhiều trường hợp bệnh nặng lâu năm, khi xông đã khỏi bệnh lâu dài.

    * Cây này hễ bệnh càng nặng thì khi xông sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh. Còn bình thường, chỉ sau từ 2 đến 3, 4 lần xông sẽ thấy thuyên giảm rõ. Nếu xông quá lâu (5, 7 ngày) mà vẫn không có chút kết quả gì thì chỉ có thể là không “chịu thuốc” (người bệnh ở một dạng lạ của bệnh, thường ít gặp) hoặc là đã lấy không đúng giống thuốc hay sử dụng không đúng cách, nên ngưng dùng.

    * Trẻ em nên xông với thời gian ngắn hơn người lớn. Tập làm quen dần rồi tăng thời gian lên.

    * Khi tắt bếp rồi, nên hít tiếp cho đến nguội để tận dụng hơi nóng nhẹ, hít sâu vào tận hốc mũi.

LƯU Ý: 
    Để cẩn thận, không nên xông trị viêm xoang cho phụ nữ có thai.

LƯU Ý THÊM: 
    * Nên xông 2 hôm đầu mỗi lần 20 phút.
    * Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 mỗi lần xông 25 phút.
    * Sau đó xông 30 phút mỗi lần và duy trì như vậy cho đến khỏi bệnh.
    * Khi bệnh đã khỏi nên xông củng cố thêm vài lần, mỗi lần 45 phút rồi mới nghỉ hẳn.
    * Đặc biệt cần phải lưu ý: ống xông phải dài được 5 tấc (50cm) hoặc hơn chút ít.

Tác giả: BS Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên Bộ Y tế)
                                                                Nguồn: kienthuc.net.vn